Áp dụng kết quả nghiên cứu đề tài khoa học vào công việc tính toán điểm trọng yếu, đường hàng không

Việc tính toán tọa độ các điểm báo cáo, thông số đường hàng không, ranh giới khu vực trách nhiệm, phân khu kiểm soát... là nội dung trọng yếu trong công tác thiết kế phương thức bay, thiết kế vùng trời, đường hàng không, công tác quản lý vùng trời và các công tác khác. Trước đây và hiện tại, để thực hiện việc này đòi hỏi phải kết hợp nhiều phép toán và bằng nhiều phương pháp khác nhau:

- Phương pháp thủ công: Các thông số được tính bằng phương pháp thủ công như kẻ, vẽ trên bản đồ giấy, đo cự ly bằng thước, compa... Phương pháp này có nhược điểm là rất mất thời gian và sai số lớn;

- Phương pháp hiện đại: Sử dụng các phần mềm bản đồ, sơ đồ tự động, hiện đại, quản lý hệ tọa độ để đảm bảo tính chính xác theo tiêu chuẩn ICAO.

1

Mô phỏng thế giới thực bằng việc sử dụng hệ thông tin địa lý GIS

Các điểm trọng yếu trên đường bay, khu vực sân bay đóng vai trò rất quan trọng trong công tác dẫn đường và tiếp cận hạ cánh, tàu bay khi bay trên đường dài phải báo cáo vị trí của mình thông qua các điểm báo cáo bắt buộc. Các điểm trọng yếu này thông thường được thiết lập giữa ranh giới 2 phân khu, 2 Vùng thông báo bay (FIR), qua các lãnh thổ khác nhau. Nếu điểm trọng yếu được thiết lập giữa hai quốc gia không chính xác, dẫn đến tàu bay báo cáo sai vị trí so với thực tế làm phát sinh công tác hiệp đồng thông báo và nhiều trường hợp hiệp đồng thông báo chậm làm ảnh hưởng tới an toàn tàu bay vì tàu bay đã bay sang lãnh thổ nước khác.

Hiện nay, kết quả chuyển giao công nghệ thuộc dự án Nâng cấp hệ thống CNS/ATM của Việt Nam kết hợp với tổ chức JICA Nhật Bản đã chuyển giao quy trình đo đạc, khảo sát các điểm gốc trọng yếu theo hệ tọa độ WGS-84. Một số sân bay của Việt Nam đã được tổ chức đo đạc và lưới khống chế tọa độ sân bay (PACS/SACS) đã được phê duyệt là cơ sở để khảo sát các điểm trọng yếu một cách thống nhất, khoa học và đảm bảo độ chính xác cần thiết.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy hiện nay Việt Nam cũng chưa có tiêu chuẩn chung, đầy đủ về quản lý chất lượng dữ liệu hàng không. Các điểm tọa độ gốc (là các dữ liệu khảo sát) chưa có sự đồng nhất về tiêu chuẩn, phương pháp khảo sát hơn nữa, một số điểm chưa được khảo sát đúng phương pháp dẫn tới không đạt được độ chính xác cần thiết. Chính vì vậy, các điểm hình thành bằng việc tính toán từ các điểm khảo sát cũng sẽ khó đáp ứng được tính chính xác và các yêu cầu khác về chất lượng dữ liệu của tổ chức ICAO. Điều này cũng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả tính toán thông số các đường hàng không, các phương thức bay...

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, sau một thời gian dài nghiên cứu và tiến hành tính toán thử nghiệm trên một vài phần mềm và các đường bay cụ thể, nhóm nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ đã xây dựng quy trình xác định, tính toán và công bố các điểm trọng yếu, thông số đường bay ATS theo hệ tọa độ WGS-84. Quy trình này sẽ được áp dụng để xác định toạ độ điểm trọng yếu, thông số đường hàng không ATS.

2

3

Quy trình xác định, tính toán và công bố các điểm trọng yếu, thông số đường bay ATS theo hệ tọa độ WGS-84

Trong quy trình xác định, tính toán trên, cơ sở toán học bản đồ sử dụng lưới chiếu hình nón đồng góc, lưới chiếu được lựa chọn là lưới chiếu Lambert với 2 vĩ tuyến chuẩn là 11° và 21°, có kinh tuyến trục là 108°.

Việc sử dụng phần mềm hệ thông tin địa lý cho máy chủ (ARCGIS for Server) hoặc phần mềm hệ thông tin địa lý cho máy trạm (ARCGIS for Desktop) đã được Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cấp phép trong chuẩn hóa dữ liệu nhằm đáp ứng các yêu cầu trong xử lý, lưu trữ và cập nhật thông tin.

Ngoài ra, bộ phần mềm còn được trang bị bộ giải pháp hàng không PLTS Aeronautical Solution, cung cấp thêm các công cụ cần thiết liên quan tới chuyên ngành hàng không, phù hợp với các tiêu chuẩn về bản đồ hàng không của ICAO và bộ giải pháp này cũng được dùng để xác định hướng, cự ly cũng như tọa độ các điểm trọng yếu là các điểm giao cắt của các đường bay ATS.

Bên cạnh việc đưa ra quy trình xác định, tính toán nhằm thống nhất các bước trong thực hiện xác định các thông số đường hàng không thì các yêu cầu về chất lượng dữ liệu như: độ phân giải, tính toàn vẹn, tính chính xác được sử dụng trong tính toán điểm trọng yếu, thông số đường bay ATS cũng được nhóm nghiên cứu áp dụng.

4

Yêu cầu chất lượng dữ liệu sử dụng trong tính toán điểm trọng yếu, thông số đường bay ATS

Như vậy, với việc xây dựng quy trình xác định, tính toán và công bố các điểm trọng yếu, thông số đường bay ATS theo hệ tọa độ WGS-84 và đưa ra các yêu cầu chất lượng dữ liệu sử dụng trong tính toán điểm trọng yếu, thông số đường bay ATS. Điều này cũng đồng nghĩa với việc:

- Đảm bảo chất lượng của dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ không lưu, thông tin dẫn đường giám sát mà Tổng công ty đang cung cấp;

- Phù hợp và đáp ứng với lộ trình chuyển đổi AIS-AIM đã được Cục HKVN ban hành;

- Đáp ứng và tuân thủ các tiêu chuẩn khuyến cáo thực hành của ICAO nâng cao chất lượng Quản lý không lưu tại Việt Nam;

- Hệ thống hóa công tác khảo sát, đo đạc, hình thành và tính toán các dữ liệu hàng không quan trọng; và

- Nâng cao hệ số an toàn trong công tác điều hành bay của Tổng công ty, đóng góp cho an toàn chung của hệ thống hàng không (tránh va trạm với địa hình (CFIT) trong giai đoạn tàu bay giảm thấp để tiếp cận hạ cánh).

Nguồn: vatm.vn