Nhân viên Hàng không những ngày Tết Âm lịch

Những ngày này đi ra đường đâu đâu cũng nghe bài hát “Ngày Tết quê em” làm lòng nghe nôn nao thấy lạ. Tết đến, xuân về là thời gian được chờ đợi nhiều nhất trong năm. Bởi lẽ, đó là khoảng thời gian tạm gác mọi công việc, nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả và trên hết đó là khoảng thời gian sum họp, đoàn viên của hầu hết các gia đình. Ý nghĩa của Tết truyền thống vẫn là sự đoàn viên, sum họp.

 

Để mọi gia đình có được cái Tết ý nghĩa, ít ai biết đến những ngành nghề phải oằn mình làm việc cật lực. Nói đến đây chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ nghĩ ngay đến công an, quân đội hay nhân viên vệ sinh, du lịch, … Ít ai biết rằng nhân viên hàng không cũng phải làm việc miệt mài, vất vả hơn cả ngày thường, bởi vì đó là mùa cao điểm trong năm, mùa mà nhân viên trong ngành thường hay gọi đùa là “ăn chơi, làm thiệt”.

30_1_sn__tu_bay

Hình sân đỗ, tàu bay chuẩn bị khởi hành (ảnh st)

Hiện nay, cuộc sống ngày càng được nâng cao nên nhu cầu đi lại bằng máy bay vào dịp lễ, tết tăng cao đáng kể. “Có cầu ắt phải có cung” đó là quy luật của cuộc sống nên trước, trong và sau tết Âm lịch là thời điểm vất vả nhất của nhân viên hàng không.

Năm nào cũng vậy, từ trước Tết Dương lịch các hãng hàng không đã bắt đầu lên lịch, xin phép bay tăng chuyến phục vụ bà con đi lại vào dịp tết Âm lịch; các Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cũng phải lên kế hoạch phục vụ các chuyến bay được “An toàn, điều hòa, hiệu quả”.

Thời gian cao điểm thường sẽ kéo dài từ rằm tháng chạp Âm lịch đến rằm tháng Giêng Âm lịch. Khoảng thời gian này, hầu như toàn bộ con người cũng như trang thiết bị đều phải làm việc hết công suất. Cũng với bao nhiêu con người đó, bao nhiêu trang thiết bị đó nhưng phải phục vụ cho hoạt động bay với tần suất tăng cao đáng kể, tại các sân bay lớn như sân bay Tân Sơn Nhất không còn những giờ cao điểm nữa bởi giờ nào cũng là cao điểm. Nhà ga đến cũng như đi, ngày cũng như đêm lúc nào cũng ồn ào, nhộn nhịp, tắc nghẽn từ nhà ga đến sân đỗ và từ trên trời xuống dưới đất. Các nhân viên từ phục vụ mặt đất đến kiểm soát viên không lưu đều phải làm việc hết sức vất vả để giảm tới mức tối thiểu các chuyến bay phải chậm trễ. Tuy nhiên việc chậm trễ là không thể tránh khỏi bởi các tàu bay cũng được khai thác hết công suất, chỉ một chuyến bay bị chậm trễ cũng kéo theo hàng loạt các chuyến bay khác chậm trễ.

Tuy công việc có nhiều khó khăn, áp lực là thế, đòi hỏi các nhân viên phải có kỹ năng tốt, sức chịu đựng bền bỉ nhưng các nhân viên hàng không vẫn phục vụ theo đúng phương châm “4 xin, 4 luôn” của Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam phát động (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn, luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ).

Hơn ai hết, là người phục vụ trong ngành hàng không khá lâu nên tôi hiểu rất rõ nỗi lòng của những nhân viên hàng không khi vừa phải tất bật trong công việc vừa phải tính toán, thu xếp để có được một, hai ngày sum họp cùng gia đình.

Đối với những nhân viên mới đi làm rất dễ tủi thân, chạnh lòng khi thời điểm không khí tết tràn ngập các phố phường, nhà nhà chuẩn bị đón tết, người người quây quần bên nhau, bạn bè cùng nhau đi chơi Tết nhưng mình vẫn phải đi làm, vẫn phải phục vụ hết công sức, vất vả hơn cả ngày thường, hết ca trực thì người cũng mỏi mệt, chỉ muốn nghỉ ngơi để có sức khỏe tiếp tục cho ca trực ngày hôm sau, không còn sức lực để tính đến chuyện đi chúc Tết, đi chơi cùng bạn bè.

Hầu hết những nhân viên có gia đình ở xa, muốn được về quê chỉ có thể thỏa thuận đổi ca cùng đồng nghiệp để về trước hoặc sau Tết, khái niệm “nghỉ Tết” đối với nhân viên hàng không dường như quá xa xỉ.

30_1__AIS

Hành khách đang xếp hàng chờ làm thủ tục (ảnh st)

Nỗi niềm là vậy, nhưng ai cũng hiểu đã chọn nghề thì phải chấp nhận những cái Tết không trọn vẹn, không kêu than mà chỉ an ủi, động viên, khuyến khích để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ vì niềm tự hào nghề nghiệp mà mình đã chọn, đóng góp một phần nhỏ cho những chuyến bay được an toàn, mang đến những cái tết đoàn viên cho bà con tha hương sau một năm vất vả ngược xuôi vì cuộc mưu sinh, tô sắc cho những ngày xuân thêm tươi đẹp.

Hiểu được những vất vả của nhân viên phải làm việc vào những ngày lễ, tết cùng với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo các cấp, từ ngày 01/8/2018 Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã thông báo về việc thực hiện chế độ đối với người lao động thực hiện nhiệm vụ trong ngày lễ, tết. Đối với người lao động làm việc theo chế độ ca kíp tham gia trực vào các ngày lễ, tết thì ngoài các khoản tiền lương được hưởng như thời gian làm việc bình thường, người lao động được hưởng thêm một khoản tiền lương được tính bằng 300% tiền lương cơ bản của người lao động đó đối với thời gian của ngày làm việc bình thường và 320% đối với thời gian làm việc ban đêm.

Không những thế, Ban chấp hành công đoàn cũng tạo điều kiện để anh chị em làm việc vào những ngày Tết Âm lịch được hưởng hương vị tết ngay tại nơi làm việc, tuy đơn giản nhưng ấm cúng, đặc biệt là đêm giao thừa, thời khắc mà nhà nhà, người người đang quây quần cùng nhau đón chào năm mới. Điều này đã phần nào an ủi người lao động bớt tủi thân, tạo động lực để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, mang niềm vui đến cho mọi người, mọi nhà.

Nguồn: vatm.vn