Các giai đoạn chuyển đổi AIS-AIM tại Việt Nam

Sau Giai đoạn 1 – Củng cố, Giai đoạn 2 trong lộ trình chuyển đổi từ Dịch vụ Thông báo tin tức hàng không (AIS) sang Quản lý tin tức hàng không (AIM) là giai đoạn Tiến tới kỹ thuật số.

GIAI ĐOẠN 2: TIẾN TỚI KỸ THUẬT SỐ

Giai đoạn 2 của lộ trình chuyển đổi gồm 9 chương trình:

  • P-01: Giám sát chất lượng dữ liệu (Data Quality Monitoring)
  • P-02: Giám sát tính toàn vẹn dữ liệu (Data Integrity Monitoring)
  • P-06: Cơ sở dữ liệu tin tức hàng không tích hợp (Integrated Aeronautical Information Database)
  • P-07: Đặt tên nhận dạng duy nhất (Unique Identifiers)
  • P-08: Mô hình khái niệm tin tức hàng không (AICM)
  • P-11: AIP điện tử (Electronic AIP)
  • P-13: Địa hình (Terrain)
  • P-14: Chướng ngại vật (Obstacles)
  • P-15: Lập sơ đồ sân bay (Aerodrome Mapping)

P-01: Giám sát chất lượng dữ liệu (Data Quality Monitoring), P-02: Giám sát tính toàn vẹn dữ liệu (Data Integrity Monitoring)

Do bản chất của chuyển đổi từ AIS sang AIM là chuyển đổi từ việc tập trung vào các sản phẩm riêng lẻ sang tập trung vào dữ liệu và cơ sở dữ liệu. Do đó, chất lượng dữ liệu là ưu tiên hàng đầu.

“Chất lượng dữ liệu là mức độ tin cậy đối với dữ liệu được cung cấp; xem dữ liệu có đáp ứng yêu cầu của người sử dụng về độ chính xác, độ nhất quán và tính toàn vẹn hay không”.

02

Yêu cầu về độ chính xác của một số loại dữ liệu (ICAO)

Việc giám sát chất lượng và mức toàn vẹn của dữ liệu là rất cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của ICAO, duy trì hỗ trợ các mục tiêu an toàn trong Quản lý Không lưu (ATM).

P-06Cơ sở dữ liệu tin tức hàng không tích hợp (Integrated Aeronautical Information Database), P-07: Đặt tên nhận dạng duy nhất (Unique Identifiers), P-08Mô hình khái niệm tin tức hàng không (AICM)

Bước chính trong giai đoạn 2 của quá trình chuyển sang AIM là thành lập và duy trì một cơ sở dữ liệu hàng không tập trung trong đó dữ liệu hàng không dạng số (digital data) của một quốc gia được tích hợp và được sử dụng để sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ AIM hiện tại và tương lai.

Cơ sở dữ liệu này cần được xây dựng dựa trên Mô hình trao đổi dữ liệu (Aeronautical Information Exchange Model - AIXM) tiêu chuẩn để phù hợp trao đổi dữ liệu với các hệ thống khác nhau.

03

Mô hình trao đổi dữ liệu AIXM 5.x

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu này cũng cần được xây dựng dựa trên Mô hình khái niệm tin tức hàng không (Aeronautical Information Concept Model - AICM).

04

Mô hình khái niệm tin tức hàng không AICM

Nếu lấy ngôn ngữ làm ví dụ thì AICM cung cấp Từ vựng, Khái niệm và mối quan hệ giữa các Khái niệm còn AIXM cung cấp Định dạng, Cấu trúc.

Và để tránh trùng lặp, gây hiểu nhầm hoặc sai sót khi được xử lý tự động; dữ liệu cần được đặt tên nhận dạng là duy nhất trong cơ sở dữ liệu (Unique Identifiers).

Hiện nay, ở Việt Nam, cơ sở dữ liệu hàng không tích hợp trong đó dữ liệu hàng không dạng số đã được thiết lập. Đây chính là cơ sở dữ liệu của Hệ thống thông báo tin tức hàng không tự động (Hệ thống AIS). Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu này chưa đáp ứng yêu cầu trao đổi dữ liệu (cả phần chữ và phần sơ đồ/ảnh) do chỉ dựa trên AIXM phiên bản 4.5 (Thế giới đã có phiên bản mới hơn như AIXM 5.1 và sắp tới là AIXM 5.2…). Do đó, Trung tâm Thông báo tin tức hàng không đang nghiên cứu, đề xuất thực hiện đầu tư hệ thống AIM theo Mô hình trao đổi dữ liệu mới, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi.

P-11AIP điện tử (eAIP)

Trong giai đoạn 2, các sản phẩm AIS truyền thống trong Tập tin tức hàng không trọn gói như Tập thông báo tin tức hàng không (AIP), Tập tu chỉnh AIP (AIP AMDT), Tập bổ sung AIP (AIP SUP) và Thông tri hàng không (AIC) cần được xuất bản theo định dạng để người khai thác có thể xem nội dung trên màn hình máy tính và in ra dạng bản giấy khi cần.

Tập tin tức hàng không trọn gói dạng điện tử này được gọi là AIP điện tử (electronic AIP - eAIP) và có thể dựa trên định dạng cho phép trao đổi dữ liệu số (digital data).

Khi được cung cấp, eAIP cần được cung cấp dưới dạng CD, DVD và/hoặc thông qua Internet.

Với việc phát triển thêm Tập tin tức hàng không sân bay nội địa (Domestic Airports Publication of Viet Nam – DAP), Trung tâm Thông báo tin tức hàng không đang đề xuất phát triển, đầu tư thêm công cụ để có thể tích hợp tin tức trong AIP Việt Nam – DAP Việt Nam thành một Tập thông báo tin tức hàng không điện tử duy nhất, dựa trên dữ liệu số có thể trao đổi được để phục vụ yêu cầu ngày càng cao của người sử dụng.

05-27_12

Các sản phẩm AIP và DAP Việt Nam hiện tại

P-13: Địa hình (Terrain), P-14: Chướng ngại vật (Obstacles)

Địa hình: Là những đặc điểm tự nhiên trên bề mặt trái đất như núi, đồi, thung lũng, khối nước, băng và tuyết vĩnh cửu, ngoại trừ các chướng ngại vật.

Chướng ngại vật: Là tất cả những vật thể cố định (lâu dài hay tạm thời) và di động, hoặc một phần của chúng nằm trong khu vực dự định cho tàu bay hoạt động trên bề mặt hoặc nhô lên khỏi bề mặt giới hạn an toàn bay.

Theo các quy định trong Phụ ước 15 của ICAO, các quốc gia phải thiết lập cơ sở dữ liệu địa hình và chướng ngại vật điện tử (eTOD) cho tất cả các sân bay để phục vụ hoạt động hàng không chung.

eTOD được chia thành 4 khu vực:

- Khu vực 1: Có phạm vi bao trùm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam;

- Khu vực 2: Trong vùng trời phụ cận của sân bay, được chia nhỏ như sau:

  • Khu vực 2a: Là khu vực có hình chữ nhật bao quanh đường CHC bao gồm dải bảo hiểm đường CHC cộng với khoảng trống nếu có;
  • Khu vực 2b: Là khu vực kéo dài từ mép cuối của Khu vực 2a trở ra theo hướng cất cánh, với chiều dài 10km và mở rộng 15% về mỗi bên;
  • Khu vực 2c: Là khu vực kéo dài ra ngoài từ mép Khu vực 2a và 2b tới khoảng cách không vượt quá 10km tính từ ranh giới của khu vực 2a; và
  • Khu vực 2d: Là khu vực nằm ngoài Khu vực 2a, 2b, và 2c tới khoảng cách 45km tính từ điểm quy chiếu sân bay hoặc tới ranh giới của TMA hiện có, lấy cự ly nào gần hơn.

- Khu vực 3: Bao quanh khu vực di chuyển của sân bay kéo dài theo phương ngang từ lề của đường CHC, ra tới 90 m tính từ trục đường CHC và 50 m tính từ lề của các khu vực khác thuộc khu vực di chuyển của sân bay.

- Khu vực 4: Kéo dài 900 m trước ngưỡng đường CHC và 60 m về mỗi bên của trục đường CHC kéo dài theo hướng tiếp cận của đường CHC có sử dụng thiết bị tiếp cận chính xác, loại II hoặc III.

061

Bề mặt thu thập dữ liệu địa hình – Khu vực 1 và 2 (ICAO)

Hiện nay, Trung tâm Thông báo tin tức hàng không đang thực hiện thiết lập eTOD theo Quyết định số 2303/QĐ-CHK ngày 26/10/2017 của Cục Hàng không Việt Nam về việc Ban hành hướng dẫn triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình và chướng ngại vật điện tử hàng không (eTOD).

P-15: Lập sơ đồ sân bay (Aerodrome Mapping)

Ngoài dữ liệu địa hình, dữ liệu chướng ngại vật điện tử, trong lộ trình chuyển đổi sang AIM, các quốc gia cần thu thập dữ liệu lập sơ đồ sân bay và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu lập sơ đồ sân bay (Aerodrome Mapping Database - AMDB).

“Cơ sở dữ liệu lập sơ đồ sân bay bao gồm các dữ liệu lập sơ đồ sân bay được sắp xếp dưới dạng bộ dữ liệu – data set” (Phụ ước 15 – ICAO).

Dữ liệu lập sơ đồ sân bay bao gồm các tin tức địa lý về sân bay, mô tả cách bố trí sân bay theo không gian (ví dụ: đường cất hạ cánh, đường lăn, các vị trí đỗ tàu bay) dưới dạng các điểm, đường hoặc đa giác và với các thuộc tính (ví dụ: loại bề mặt).

AMDB được trao đổi dưới dạng bộ dữ liệu, sử dụng các tiêu chuẩn toàn cầu và các công cụ chính của công nghệ GIS (Geographic Information System – Hệ thống thông tin địa lý).

07

Cơ sở dữ liệu lập sơ đồ sân bay (AMDB)

AMDB sẽ hỗ trợ người khai thác nhận biết tình huống, vị trí và di chuyển trên sân bay; quản lý trang thiết bị; có thêm thông tin liên quan đến sân bay hoặc sản xuất các sơ đồ hàng không.

Nguồn: vatm.vn