Quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu địa hình và chướng ngại vật điện tử (eTOD)

Phụ ước 15 của ICAO quy định 04 khu vực cần có dữ liệu chướng ngại vật và địa hình điện tử (Electronic Terrain and Obstacle Data - eTOD), đó là: Khu vực 1 có phạm vi bao trùm toàn bộ lãnh thổ của một quốc gia gồm cả các vùng đảo có sân bay/sân bay trực thăng; Khu vực 2 có phạm vi bao gồm các khu vực trong vùng trời tiếp cận đã thiết lập, không quá bán kính 45 km từ điểm quy chiếu sân bay (ARP); Khu vực 3 có phạm vi bao quanh khu vực di chuyển của sân bay kéo dài dọc theo phương ngang từ lề của đường CHC, ra tới 90m tính từ tâm đường CHC và 50m tính từ lề của các khu vực khác thuộc khu vực di chuyển của sân bay; Khu vực 4 là khu vực kéo dài 900m trước ngưỡng đường CHC và 60m về mỗi bên của tâm đường CHC kéo dài theo hướng tiếp cận trên đường CHC có sử dụng thiết bị tiếp cận chính xác CAT II hoặc CAT III.

 

Bắt đầu từ năm 2013, Đảng ủy Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nghiên cứu và triển khai áp dụng quản lý dữ liệu chướng ngại vật và địa hình điện tử giúp cho việc đánh giá ảnh hưởng của chướng ngại vật và địa hình trong các khu vực tĩnh không sân bay và toàn bộ vùng trời nhằm bảo đảm an toàn cho các hoạt động bay tại Việt Nam. Trung tâm Thông báo tin tức hàng không được giao nhiệm vụ xây dựng, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu địa hình và chướng ngại vật điện tử khu vực 1 và khu vực 2 của Việt Nam.

Ngay trong năm 2013, Trung tâm Thông báo tin tức hàng không đã hoàn thành việc thiết lập, xây dựng và quản lý, khai thác eTOD khu vực 1 gồm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. eTOD khu vực 1 được Trung tâm khai thác hiệu quả để sản xuất các bản đồ, sơ đồ hàng không và sử dụng nghiên cứu thiết kế các phương thức bay PBN. eTOD khu vực 2 của 2 sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng đã được Trung tâm đưa vào sử dụng khai thác vào cuối năm nay và tiến tới Trung tâm sẽ xây dựng eTOD khu vực 2 của toàn bộ các sân bay tại Việt Nam vào các năm kế tiếp, theo chỉ đạo và phân công nhiệm vụ của Cục Hàng không Việt Nam trong Quyết định số 980/QĐ-CHK ngày 25/05/2015.

5_1_Untitled

eTOD khu vực 2 của sân bay quốc tế Nội Bài

Dữ liệu địa hình và chướng ngại vật điện tử - eTOD được sử dụng trong các ứng dụng dẫn đường hàng không, cụ thể là: Hệ thống cảnh báo va chạm mặt đất với chức năng tránh va chạm địa hình phía trước và hệ thống cảnh báo độ cao an toàn tối thiểu (MSAW); Việc xác định các phương thức giải trợ sử dụng trong tình huống khẩn cấp khi thực hiện giai đoạn tiếp cận hụt hoặc cất cánh, các phân tích giới hạn khai thác tầu bay;  Thiết kế phương thức bay sử dụng thiết bị bao gồm cả phương thức bay vòng lượn bằng mắt (circling); Xác định phương thức trượt xuống trên đường bay và xác định vị trí hạ cánh khẩn cấp; Hệ thống kiểm soát và hướng dẫn di chuyển trên mặt đất (A-SMGCS); Sản xuất các sơ đồ hàng không và các cơ sở dữ liệu trên tầu bay nhất là trong khai thác CAT II, CAT III. Các dữ liệu này cũng có thể được sử dụng ở các ứng dụng khác như thiết bị bay giả định, hệ thống trực quan tổng hợp và có thể hỗ trợ cho việc xác định hạn chế chiều cao hoặc di rời các chướng ngại vật là mối nguy hiểm đối với hoạt động bay.

5_1_2_Untitled

eTOD khu vực 2 của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Trong định hướng đến năm 2030, lĩnh vực Thông báo tin tức hàng không cần tiếp tục tăng cường kết nối với các hệ thống hàng không tự động toàn cầu. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm cập nhật eTOD, sơ đồ/bản đồ hàng không vào hệ thống quản lý dữ liệu hàng không (AIM) để hòa vào mạng hệ thống quản lý không lưu (ATM) của Việt Nam và hệ thống Quản lý tin tức diện rộng toàn cầu (SWIM).

Với việc sử dụng công nghệ hàng đầu trên thế giới - Hệ thống thông tin địa lý (GIS) cho ứng dụng quản lý và khai thác eTOD đã góp phần hiện đại hóa ngành Quản lý bay ngày càng lớn mạnh hơn, xứng tầm với các quốc gia phát triển tiên tiến, hiện đại trong khu vực và trên thế giới.

 

Nguồn: vatm.vn