Banner
Banner
Banner
Banner

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3

“Mưu cầu hạnh phúc là nỗ lực chính của con người. Mọi người trên thế giới mong muốn có cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn, không còn sợ hãi và hài hòa với thiên nhiên”.

(Trích lời Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon)

Lịch sử Ngày Quốc tế Hạnh phúc

Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan, một vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền đông Himalayas - một quốc gia có công dân được coi là một trong những người hạnh phúc nhất trên thế giới dựa trên các yếu tố như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Bhutan nổi tiếng với việc áp dụng Chỉ số hạnh phúc quốc gia thay vì Chỉ số kinh tế hay Chỉ số về phát triển.

Tháng 6 năm 2012, Liên hợp quốc (LHQ) đã tuyên bố chọn ngày 20 tháng 3 hàng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc.

Bằng cách chỉ định một ngày đặc biệt đối với hạnh phúc, LHQ tập trung sự chú ý của thế giới vào ý tưởng rằng tăng trưởng kinh tế phải hòa nhập, công bằng và cân bằng để thúc đẩy phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, LHQ thừa nhận để đạt được hạnh phúc toàn cầu, phát triển kinh tế phải đi kèm với phát triển xã hội và môi trường.

Việc LHQ chọn ngày 20 tháng 3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc còn vì đây là ngày đặc biệt trong năm. Vào ngày này, mặt trời nằm ngang đường xích đạo nên ngày và đêm có độ dài bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ; biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực. Bởi vậy, ngày 20 tháng 3 cũng truyền tải thông điệp: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

Tại sao Việt Nam tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3?

Việt Nam là một quốc gia có hàng ngàn năm lịch sử nên không hề xa lạ với mục tiêu hạnh phúc. Kể từ khi nước Việt Nam ra đời đến nay, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia. Thực tế, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta về độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đều nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 do Liên hợp quốc phát động, ngày 26/12/2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc.

 

Ngay-Quoc-te-hanh-phuc2

 

“Yêu thương và chia sẻ” - Chủ đề Ngày Quốc tế Hạnh phúc 2014

“Hạnh phúc là gì?”. Một câu hỏi không dễ trả lời vì đề tài hạnh phúc là vô cùng. Nhưng chúng ta hãy xem nó nhưng một điều gì đó đơn giản để mình phấn đấu.

Hạnh phúc là những gì ta có được trong hành trình đi tìm hạnh phúc mà không phải là đích đến. Hạnh phúc là những gì mong mỏi mà con người đạt được. Thực tế cho thấy, chính những mong mỏi của cá nhân mà bản thân mình nỗ lực cố gắng đạt được sẽ làm người ta cảm thấy hạnh phúc. Nhưng một chút yêu thương, một chút đồng cảm với con người, một chút dung hòa cuộc sống, một chút hy sinh vì người khác, một chút hy sinh vì cộng đồng …cũng làm nên hạnh phúc.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2014 là “Yêu thương và chia sẻ”. Thông qua chủ đề này, Ngày Quốc tế Hạnh phúc muốn mang đến một thông điệp: “Chúng ta hãy yêu thương và chia sẻ cùng nhau trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng lớn hay nhỏ; giữa những người bạn, đồng chí... bằng những hành động thiết thực nhất. Những việc làm yêu thương, chia sẻ trong cộng đồng cũng sẽ mang lại hạnh phúc cho bản thân mỗi người, gia đình và toàn xã hội”.

Nguồn: Sưu tầm và biên dịch

Ban biên tập