GEN 1.4 QUY ĐỊNH VỀ XUẤT NHẬP CẢNH HÀNH LÝ VÀ HÀNG HÓA

1 Quy định về xuất và nhập hàng hóa và hành lý

1.1 Chức năng của Hải quan Việt Nam
Pháp lệnh Hải quan quy định "Hải quan Việt Nam thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh mượn đường Việt Nam. Hải quan Việt Nam có trách nhiệm đấu tranh chống buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, ngoại hối, tiền Việt Nam qua biên giới".
1.2 Những đối tượng chịu sự quản lý Nhà nước về hải quan
Hàng hóa, hành lý, ngoại hối, tiền Việt Nam, bưu kiện, bưu phẩm, các đồ vật và tài sản khác xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, mượn đường Việt Nam (gọi chung là đối tượng kiểm tra, giám sát hải quan) khi đã qua biên giới Việt Nam, đều chịu sự quản lý nhà nước về hải quan.
Đối tượng kiểm tra, giám sát hải quan bao gồm:
  1. Hàng hóa:
    • Hàng hóa của các tổ chức kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, của các tổ chức khác hoặc cá nhân;
    • Hàng hóa của tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư và chuyển giao công nghệ;
    • Hàng hóa mua bán, trao đổi giữa các tổ chức kinh tế với chủ phương tiện vận tải nước ngoài tại Việt Nam;
    • Hàng mẫu, quảng cáo, triển lãm hoặc tham gia hội chợ;
    • Tài sản di chuyển thừa kế;
    • Các loại hàng hóa khác theo quy định của Nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu.
  2. Hành lý xuất khẩu, nhập khẩu:
    • Những vật dụng cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt cá nhân hoặc mục đích chuyển đi của hành khách xuất cảnh hoặc nhập cảnh; của người làm việc trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh bao gồm hành lý xách tay và hành lý ký gửi cùng chuyến theo người hoặc không cùng chuyến.
  3. Ngoại hối: Theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam ngoại hối bao gồm:
    • Các loại tiền nước ngoài, bao gồm tiền giấy, tiền bằng kim loại còn hiệu lực lưu hành, các loại phiếu, các phương tiện chi trả được ghi bằng tiền nước ngoài như công trái Nhà nước, phiếu kho bạc, trái phiếu, hối phiếu, cổ phiếu, ngân phiếu, phiếu lợi tức, séc thường, séc lữ hành, thư tín dụng lữ hành, lệnh trả tiền, giấy nhận nợ và các chứng nhận tiền gửi bưu điện (gọi tắt là ngoại tệ).
    • Kim loại quí, đá quí khi được mang hoặc chuyển ra nước ngoài, hoặc từ nước ngoài mang hoặc chuyển vào Việt Nam bao gồm vàng bạc và kim loại thuộc nhóm bạch kim (Platin, pladi, Irdi, Ru-ten-ni, og-ni), ở thể nguyên chất hay hợp kim dưới dạng thể nén, khối, lá, hột, mảnh vụn, bột, dung dịch hay đã thành các loại tư trang, vật dụng thí nghiệm, đồ dùng gia đình và cá nhân, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, vật lưu niệm, đồng tiền cũ không còn giá trị lưu hành; đá quí gồm như kim cương, nhóm ru bi, sa phia còn nguyên thể hay đã chế biến.
  4. Bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu và bưu phẩm đựng đồ vật, hàng hóa xuất, nhập khẩu.
  5. Đồ vật, tài sản khác:
    • Các vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, tem bưu chính, tro hài cốt, các loại lâm sản hoặc sản phẩm được chế biến từ lâm sản và nhà nước Việt Nam cấm xuất khẩu.v.v...
  6. Tiền Việt Nam của người xuất cảnh, nhập cảnh.
  7. Phương tiện vận tải khi xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh.
Chủ sở hữu của các đối tượng trên phải tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực Hải quan.
Các đối tượng kiểm tra hải quan chỉ khi đã hoàn thành thủ tục hải quan mới được phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc lưu thông trong nội địa Việt Nam.
1.3 Nguyên tắc kiểm tra giám sát hải quan
  1. Các đối tượng chịu sự quản lý nhà nước về hải quan, khi làm thủ tục hải quan phải chịu sự kiểm tra hải quan. Nếu đã nhập nhưng chưa hoàn thành thủ tục hải quan, hoặc đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa thực xuất, thì phải chịu sự giám sát hải quan.
    Thời gian chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan quy định như sau:
    • Từ khi nhân viên hải quan tiếp nhận đối tượng kiểm tra, giám sát cho đến khi thực xuất;
    • Từ khi nhân viên hải quan tiếp nhận đối tượng kiểm tra, giám sát nhập tới cửa khẩu đầu tiên, cho đến khi hoàn thành thủ tục hải quan.
  2. Việc kiểm tra chỉ tiến hành một lần. Trường hợp nghi vấn cần kiểm tra lại, phải do giám đốc Hải quan tỉnh, thành phố hoặc tương đương quyết định.
    • Khi kiểm tra nhất thiết phải có mặt của chủ hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải... hoặc người đại diện hợp pháp của họ;
    • Trường hợp cần thiết, vì lý do an ninh, vệ sinh môi trường, hải quan được quyền kiểm tra ngay hàng hóa, hành lý...vắng chủ nhưng phải có mặt của đại diện cơ quan vận tải;
    • Việc kiểm tra được thực hiện tại cửa khẩu. Trường hợp chủ hàng đề nghị kiểm tra tại các điểm khác (như kho chuyên dùng trong nội địa), phải đăng ký trước và được Hải quan cấp tỉnh trở lên chấp thuận và phải tuân theo quy chế niêm phong hoặc áp tải hải quan;
    • Khi kiểm tra xong một lô hàng, chủ hàng phải xác nhận tình trạng hàng hóa trên thực tế và tờ khai hải quan.
  3. Đối tượng kiểm tra hải quan quá cảnh Việt Nam không phải kiểm tra hải quan (trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật), nhưng phải chịu sự giám sát hải quan. Thời gian chịu sự giám sát hải quan kể từ khi tới của khẩu đầu tiên tới khi xuất.
  4. Hành lý và phương tiện vận tải của người được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao; phương tiện vận tải của cơ quan ngoại giao; hành lý và phương tiện vận tải của các đối tượng đặc biệt khác (được Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam qui định) được miễn kiểm tra hải quan.
1.4 Nghĩa vụ chung của chủ các đối tượng kiểm tra hải quan
  1. Chủ các đối tượng kiểm tra hải quan, khi đến các địa điểm làm thủ tục hải quan phải thực hiện đúng những qui định sau đây:
    • Khai đúng, khai đủ nội dung vào tờ khai hải quan, không được tự tiện sửa chữa, tẩy xoá;
    • Nộp tờ khai hải quan và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;
    • Đưa các đối tượng kiểm tra hải quan đến địa điểm qui định để hải quan kiểm tra;
    • Nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, lệ phí hải quan và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
  2. Trong thời gian chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, người chỉ huy hoặc người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh phải:
    • Đảm bảo phương tiện đi đúng tuyến đường, nhập và đậu đúng cảng và nơi qui định trong giấy phép theo hành trình đã qui định;
    • Dừng phương tiện vận tải đúng địa điểm qui định để làm thủ tục hải quan;
    • Tạo thuận lợi để hải quan kiểm tra, áp tải và niêm phong phương tiện vận tải khi cần thiết;
    • Không trao đổi, mua bán hàng hóa, hành lý ở nơi tàu bay đang đậu;
    • Không tự ý xếp, dỡ hàng hóa, hành lý xuất khẩu, nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan hoặc đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa thực xuất;
    • Chấp hành các qui định xử lý của hải quan Việt Nam.
  3. Để việc làm thủ tục hải quan được nhanh chóng, thuận tiện: Người lái, người chỉ huy tàu bay, hoặc người được ủy quyền phải nộp cho hải quan ngay sau khi tàu bay hạ cánh nhập cảnh và trước khi tàu bay xuất cảnh cất cánh những giấy tờ theo qui định về việc làm thủ tục hải quan.
  4. Người chỉ huy, điều khiển phương tiện vận tải quá cảnh Việt Nam, khi đến cửa khẩu đầu tiên của Việt Nam phải khai báo nộp giấy phép và các giấy tờ cần thiết khác theo qui định.
    Trong thời gian chịu sự giám sát hải quan, phải đảm bảo nguyên vẹn tình trạng và trình tự xếp hàng hóa, hành lý, và thực hiện các nghĩa vụ qui định như đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khác.

2 Những qui định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hành lý và vật phẩm khác

Những hàng hóa, vật phẩm sau đây không được xuất khẩu hoặc khi xuất khẩu phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành.
(Theo đường phi mậu dịch).
2.1 
Các loại vũ khí (kể cả súng, đạn thể thao quốc phòng) chất nổ, chất dễ cháy, quân trang.
2.2 
Thuốc phiện, các loại ma tuý, nguyên liệu và dụng cụ để chế biến và sử dụng chất này; thuốc gây nghiện, gây mê và các chất độc khác.
2.3 
Bản vẽ tốc ký, mật mã bằng chữ hay bằng số.
2.4 
Những sơ đồ, hoành đồ và những tài liệu khác có tính chất quân sự.
2.5 
Cổ vật.
2.6 
Các chất tươi sống dễ bị hôi thối mà không có bao bì bảo quản thích hợp; các chất có hại đến vệ sinh môi trường chung.
2.7 
Trầm hương, kỳ nam, quế, các loại tinh dầu thực vật.
2.8 
Các loại thiết bị khoa học kỹ thuật đã nhập vào Việt Nam.
2.9 
Máy vô tuyến điện, các loại máy thu thanh, thu hình, video (bộ hoàn chỉnh hoặc từng chiếc riêng lẻ), máy tính điện tử, máy điều hoà không khí, quạt máy, ô tô, xe gắn máy, mô tô do Việt Nam nhập khẩu (trừ trường hợp tái xuất khẩu hoặc đã mua ở các cửa hàng của nhà nước Việt Nam bán thu ngoại tệ có hóa đơn hợp lệ).
2.10 
Tem bưu điện đã hoặc chưa sử dụng (phải có giấy phép của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam).
2.11 
Ngoại tệ (trừ trường hợp tái xuất được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép).
2.12 
Đồ thủ công mỹ nghệ vàng, bạc (phải có hoá đơn hợp lệ của cửa hàng mỹ nghệ vàng bạc quốc doanh và được cơ quan văn hoá xác định không thuộc diện Nhà nước Việt Nam quản lý).
2.13 
Các loại hoá chất (phải có giấy phép của cơ quan hoá chất Việt Nam).
2.14 
Mọi tài liệu (khoa học kỹ thuật, kinh tế, chính trị) bản in, bản thảo, bản in kẽm, bản in giấy sáp, tranh ảnh, tượng, sách báo, đĩa hát, băng nhạc, băng đã ghi âm, băng đã ghi hình, phim chiếu bóng và những ấn phẩm, vật phẩm khác mà nội dung có liên quan đến bí mật quốc gia các loại phim đã quay, đã chụp nhưng chưa tráng (phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành như Văn hoá, Bộ Công an của Việt Nam).
2.15 
Các tài liệu khoa học, báo cáo, tài liệu nghiên cứu, số liệu điều tra cơ bản và các loại mô tả khoáng vật, địa chất, các loại giống động vật, thực vật (chỉ được mang ra nước ngoài để phục vụ mục đích nghiên cứu, thí nghiệm, làm luận án, đồ án tốt nghiệp hoặc hợp tác khoa học kỹ thuật và phải có giấy phép của Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước Việt Nam).
2.16 
Tranh ảnh, tài liệu, sách báo, đồ mỹ thuật quí có liên quan đến cách mạng Việt Nam, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, phát minh sáng chế thuộc diện quản lý của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (phải có giấy phép của cơ quan Văn hoá).
2.17 
Các tiêu bản côn trùng, khoáng vật, động vật, thực vật quí của Việt Nam (phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành của Việt Nam).
2.18 
Nông sản, hải sản và hàng thủ công mỹ nghệ thuộc diện Nhà nước Việt Nam thống nhất quản lý (phải có hoá đơn mua tại cửa hàng đã đăng ký mẫu hoá đơn với hải quan hoặc phải có giấy phép của hải quan).
2.19 
Những động vật rừng và sản phẩm chế biến từ động vật rừng sau đây, chỉ trong trường hợp đặc biệt mới được xuất khẩu theo giấy phép của Bộ Lâm nghiệp:
2.20 
Những loại lâm sản và sản phẩm chế biến từ lâm sản sau đây không được xuất khẩu:

3 Các mặt hàng mà Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấm nhập khẩu

Những hàng hoá, vật phẩm sau đây không được nhập khẩu, hoặc muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành của Việt Nam:
3.1 
Các loại vũ khí (kể cả súng thể thao, quốc phòng), chất nổ (kể cả pháo), chất dễ cháy, quân trang. Muốn nhập súng săn phải xin giấy phép của Bộ Công an của Việt Nam trước khi nhập.
3.2 
Thuốc phiện, các chất ma tuý, nguyên liệu và dụng cụ để chế biến và sử dụng các chất này, các thuốc gây nghiện, gây mê, các chất độc.
3.3 
Bản viết tốc ký, mật mã bằng số hay bằng chữ.
3.4 
Các chất tươi sống dễ ôi thối, các chất có hại đến vệ sinh môi trường chung không được cơ quan kiểm dịch cho phép nhập.
3.5 
Đường hoá học nguyên chất.
3.6 
Các loại thuốc không có nhãn hiệu, nhãn hiệu không còn nguyên vẹn, thuốc quá hạn dùng (kể cả cao đơn hoàn tán); thuốc không còn bao bì đóng gói (trừ trường hợp dùng cho cá nhân đi đường); các loại thuốc không được lưu hành sử dụng ở nước sản xuất hoặc ở Việt Nam; thuốc chữa bệnh tâm thần (trừ trường hợp được Sở y tế tỉnh trở lên cho phép yêu cầu chữa bệnh).
3.7 
Các loại rượu (trên 40 độ) (trừ những người nhập cảnh vào Việt Nam được mang theo tiêu chuẩn hành lý).
3.8 
Thuốc lá, kể cả thuốc lá sợi và xì gà (người nước ngoài và Việt kiều nhập cảnh Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, nếu có nhu cầu được mang theo 10 bao mỗi bao 20 điếu).
3.9 
Quần áo, vải và những vật phẩm khác có hình vẽ và chữ không hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.
3.10 
Các loại quần áo, chăn màn, giày dép đã sử dụng (trừ hành lý mang theo người khi nhập cảnh hoặc ký gửi trước, khi hết thời hạn ở nước ngoài trở về Việt Nam).
3.11 
Máy vô tuyến điện, máy điện thoại, điện tín và phụ tùng...
3.12 
Tem bưu điện đã và chưa sử dụng (phải được phép của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông).
3.13 
Các loại thuốc dùng làm nguyên liệu (phải có giấy phép của Tổng cục Hoá chất).
3.14 
Mọi tài liệu, bản in, bản thảo, bút ký, bản in kẽm, bản in giấy sáp, đĩa hát, băng nhạc, băng ghi âm, băng ghi hình đã ghi, phim chiếu bóng, phim đã chụp, đã quay nhưng chưa tráng, tranh ảnh, sách báo, tượng và các vật phẩm khác mà nội dung phương hại đến chính trị, kinh tế văn hoá của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3.15 
Các loại đồ hộp đóng kín (trừ những thứ đóng bằng bao bì trong suốt hoặc có thể mở ra kiểm tra dễ dàng).
3.16 
Việc chuyển ngoại tệ, kim khí quí, đá quí từ nước ngoài mang vào Việt Nam được khuyến khích và không hạn chế về số lượng, nhưng khi nhập cảnh phải khai vào tờ khai hải quan tại cửa khẩu.

4 Danh mục các vật phẩm nguy hiểm cấm, hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay

4.1 
Danh mục các vật phẩm nguy hiểm cấm, hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay áp dụng theo Tài liệu 8973/9 về an ninh hàng không và Tài liệu 9284 về vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường hàng không.
4.2 
Việc mang chất lỏng theo người và hành lý xách tay lên tàu bay áp dụng theo Thông tư số 01/2016/TT-BGTVT ngày 01/02/2016 của Bộ Giao thông vận tải.
4.3 
Người khai thác mong muốn mang các vật phẩm nguy hiểm cấm, hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay sẽ nộp đơn đề nghị nêu chi tiết các loại hàng hóa tới địa chỉ dưới đây:
Cục Hàng không Việt Nam
Phòng An ninh hàng không
119 Phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên
Hà Nội, Việt Nam
Tel:(84 -24) 38 271 353
Fax:(84 -24) 38 271 353
AFS:KhôngVVVVYAAN
Email:avsec@caa.gov.vn
Thời gian làm việc: Từ thứ Hai đến thứ Sáu
  • Sáng: 08h00 - 11h30 (giờ địa phương)
  • Chiều: 13h00 - 17h00 (giờ địa phương)