Thanh niên AIS và hành trình "Về nguồn"

Khi Tháng Thanh niên năm 2012 đang đến gần, các cơ sở Đoàn lại thật bận rộn lập kế hoạch tổ chức các hoạt động, chương trình chào mừng một tháng đầy ý nghĩa với thanh niên. Nhìn lại các hoạt động của thanh niên Trung tâm Thông báo tin tức hàng không, hình ảnh và cảm xúc đọng lại nhiều nhất có lẽ là chuyến “Về nguồn” năm 2011.

Đây là một hành trình ba ngày nhưng còn kéo dãi mãi trong tâm trí của những Đoàn viên tham gia. Giữa cái nắng hè gay gắt tháng 5 như thử thách nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng tôi bắt đầu hành trình “Về nguồn”. Lần đầu tiên được đi trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, tất cả chúng tôi đều rất háo hức. Không khí trong lành, tĩnh lặng của con đường xuyên qua núi, qua rừng, qua những ngọn đồi đầy hoa khiến chúng tôi như tạm quên đi sự ồn ào, náo nhiệt và cái nắng hè ỏi ả của thành phố. Không khí ấy cũng khiến các bạn nữ Đoàn viên quên đi nỗi sợ say xe và hào hứng trò chuyện, hát ca cùng mọi người đi trên xe.

Điểm đến đầu tiên là quảng trường Hồ Chí Minh tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tượng Bác Hồ vĩ đại đứng hiên ngang nhưng cũng rất hiền từ giữa Quảng trường khiến chúng tôi thấy rất ấm lòng và thấy như mình được mảnh đất miền Trung đầy nắng gió này chào đón. Sau khi thắp nén hương để tỏ lòng thành kính đối với Bác, chúng tôi đến thăm Đài kiểm soát không lưu – sân bay Vinh. Tuy đang làm việc trong ngành Quản lý bay nhưng với nhiều bạn Đoàn viên, đây là lần đầu tiên được nhìn thấy sân bay và đài chỉ huy sân bay ở một vị trí gần đến vậy. Thậm chí chúng tôi còn được trèo lên tận Đài chỉ huy nhìn ngắm sân bay Vinh và các chuyến bay cất cánh, hạ cánh. Một số Đoàn viên tận tay thao tác trên thiết bị của Hệ thống thông báo tin tức hàng không tự động được lắp đặt ở đây. Dù không ai nói ra nhưng mỗi chúng tôi đều tự mình cảm nhận được ý nghĩa, ảnh hưởng của công việc mình đang làm ở Trung tâm Thông báo tin tức hàng không đối với các sân bay địa phương như sân bay Vinh.

Tạm biệt các chú, các anh kiểm soát viên không lưu rất nhiệt tình và mến khách của Đài kiểm soát không lưu – sân bay Vinh, chúng tôi ra Cửa Lò. Không khí mằn mặn của biển, làn nước mát của những con sóng trắng xóa, hối hả nối nhau xô vào bờ cát như xua tan đi tất cả mệt mỏi của một ngày dài.

Ngày thứ 2 của chuyến “Về nguồn” được dành để thăm quan Khu di tích Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Chúng tôi đã được học trong văn chương hay nghe qua các câu chuyện về thời thơ ấu của Bác Hồ và những ảnh hưởng của những năm tháng đó đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của một vĩ nhân. Tuy nhiên, chỉ khi đến đây chúng tôi mới thật sự cảm nhận được những điều đã biết, đã nghe đó. Khu nhà quê ngoại của Bác ở làng Hoàng Trù, còn gọi là làng Chùa, chào đón chúng tôi là một cánh cổng tre rộng, mở ra một con đường nhỏ giữa hai bờ dậu dẫn chúng tôi đến những ngôi nhà tranh thân thuộc. Ngôi nhà của cụ Hoàng Đường – ông ngoại Bác Hồ như một minh chứng cho tình cảm đầy ơn nghĩa của thày và trò, cha và con. Chúng tôi cũng được thăm ngôi nhà tranh 3 gian nằm ở góc vườn phía tây nhà ông bà Hoàng Đường là nơi Bác cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới năm lên 3 tuổi. Mọi đồ vật trong nhà đều rất đơn sơ, giản dị, từ chiếc khung cửi đến chiếc võng gai đơn sơ, nơi xưa kia Bác Hồ đã từng nằm ngủ. Tuổi thơ của Bác đã được mẹ chăm sóc, vun đắp bằng những làn điệu dân ca bay bổng chứa đựng những ước mơ cao đẹp, những hy vọng sâu xa. Có lẽ vì thế, ngoài là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Bác còn có tâm hồn của một thi sĩ, một danh nhân văn hóa.

 

2011-Que_Bac

Rời làng Chùa, chúng tôi tiếp tục thăm quan quê nội của Bác ở làng Sen. Ngôi nhà ở làng Sen rộng rãi và khang trang hơn, được dựng bằng tre và gỗ, lợp tranh. Ngôi nhà được dựng nhờ công sức, tiền của do dân làng góp lại làm quà tặng thân phụ của Bác khi cụ đỗ Phó bảng, đem vinh dự về cho quê hương.

Buổi tối hôm đó chúng tôi thực hiện chương trình “Lửa trại” trên bãi biển. Do chưa có kinh nghiệm nên mãi chúng tôi mới làm ngọn lửa bùng lên được giữa bãi biển mênh mông. Tuy nhiên, ai cũng hào hứng và góp sức để thổi bùng ngọn lửa ấy. Và, lần đầu tiên được nắm tay nhau, chạy xung quanh đống lửa đang cháy như lòng nhiệt thành của tuổi trẻ và hát vang, chúng tôi như quên mất khoảng cách và sự khác biệt trong công việc, quên mất sự rụt rè e ngại giữa các Đoàn viên làm việc ở các Phòng khác nhau. Chỉ còn lại hơi ấm của sự chia sẻ và cảm thông lan tỏa. Các trò chơi tập thể, thể hiện sự trẻ trung và hóm hỉnh của tuổi trẻ, cũng mang lại cho chúng tôi những trận cười thật thoải mái. Đến nỗi khi lửa đã tàn, củ khoai nướng đã quá lửa nhưng không ai trong chúng tôi muốn về đi nghỉ vì ai cũng muốn lưu giữ những giây phút thật khó diễn tả bằng lời ấy.

Ngày cuối cùng của chuyến về nguồn, tạm biệt Nghệ An, chúng tôi sang tỉnh Hà Tĩnh để về với địa chỉ đỏ - Khu di tích Thanh niên xung phong Ngã Ba Đồng Lộc – nơi bắt đầu của đường Trường Sơn huyền thoại, nơi chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh của mười cô gái thanh niên xung phong. Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi được nghe kể chuyện về sự hy sinh, sự lạc quan trong bom đạn của 10 cô gái thanh niên xung phong nói riêng và các chiến sỹ ở Đồng Lộc nói chung. Ý niệm về sự ác liệt của chiến tranh, những hy sinh mất mát thường dường như không thực sự rõ ràng đối với những người được sinh ra trong thời bình như chúng tôi. Nhưng khi xem lại sa bàn miêu tả cảnh tượng khốc liệt, điêu tàn của Đồng Lộc cũng như ý chí quyết tâm thông đường, thông xe, tinh thần dũng cảm, can trường của dân ta với âm thanh, ánh sáng khá sinh động; được nhìn ngắm các kỷ vật còn sót lại trong phòng trưng bày truyền thống Ngã Ba Đồng Lộc; chúng tôi đều bồi hồi xúc động. Rồi khi được nghe hướng dẫn viên của Khu di tích đọc bài thơ “Cúc ơi”, có lúc giọng đọc nghẹn lại như tiếng gọi nghẹ ngào khi mất đi những người thân yêu nhất, chúng tôi đã không kìm được nước mắt. “Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang/ Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp/ Chín bạn đã quây quần đủ mặt…/ Chỉ thiếu mình em…”. Chiến tranh đã lùi xa nhưng có lẽ dấu tích của nó thì vẫn còn đọng lại. Bởi sâu trong lòng đất, giữa tiếng thông reo rì rào ấy, vẫn còn những mảnh bom đạn và những linh hồn quanh quất... Rồi những dòng tên được khắc trong Nhà bia tưởng niệm Thanh niên xung phong toàn quốc - hiện thân của lực lượng đã không tiếc tuổi xuân và xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc như một lần nữa nhắc nhở chúng tôi về sự hy sinh cao cả của những người đã ngã xuống.

2011-Nga_ba_Dong_Loc

Tạm biệt Đồng Lộc, chúng tôi trở lại thủ đô. Chỉ trong ba ngày, chúng tôi đã được đi qua những mảnh đất hào hùng, ghi dấu trong lịch sử dân tộc, được tự cảm nhận những điều mà trước đây chúng tôi chỉ biết đến qua sách vở hay phim ảnh. Dù khá mệt vì chuyến đi dài gấp gáp nhưng không ai trong chúng tôi cảm thấy tiếc nuối điều gì. Có chăng chỉ là quyết tâm tiếp tục thực hiện những chuyến về nguồn để tự mình khám phá, tìm hiểu quá khứ; để trân trọng, sống đẹp ở hiện tại và để nhìn về tương lai với những khát vọng lớn lao hơn.

Nguồn: congdoan.vatm.vn